Lễ khởi công các cao tốc trên được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP HCM có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính với các điểm tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk.
Vành đai 3 TP HCM là dự án có kinh phí lớn nhất với gần 75.400 tỷ đồng, dài hơn 76 km. Tuyến đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 8 dự án thành phần, mỗi tỉnh, thành thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
TP HCM là địa phương khởi công dự án trên địa bàn sớm nhất, cũng là nơi đoạn vành đai đi qua dài nhất với hơn 47 km, tổng mức đầu tư hơn 41.400 tỷ đồng. Ba tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng dự tính khởi công các phân đoạn còn lại của tuyến trong tháng 6.
Vành đai 3 có điểm đầu tại nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao cao tốc Bến Lức – Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Khi hoàn thành, vành đai này cùng cao tốc Bến Lức sẽ tạo trục giao thông bao quanh khu vực TP HCM, hạn chế xe phải chạy xuyên tâm qua nội đô.
Ở giai đoạn 1, công trình được xây dựng trước 4 làn cao tốc ở giữa, đường song hành hai bên qua các khu dân cư. Toàn tuyến dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics… Công trình được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển Vùng trọng điểm phía Nam.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài khoảng 53,7 km, đi qua hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Điểm đầu tuyến nối với tuyến tránh quốc lộ 1, đoạn qua TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối tại nút giao quốc lộ 56 thuộc TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Dự án có tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng từ vốn ngân sách, chia làm ba thành phần do các địa phương tuyến đi qua cùng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì triển khai. Giai đoạn đầu, cao tốc này được xây dựng 4-6 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2026. Tuyến đường khi đưa vào khai thác sẽ kết nối với trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông, sân bay Long Thành, cảng biển, cùng các trung tâm kinh tế, góp phần phát triển cho toàn vùng Đông Nam Bộ.
Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, dài khoảng 117,5 km, kết nối hai tỉnh Khánh Hòa và Đăk Lăk. Tuyến đường được chia làm ba dự án thành phần, phân cấp cho Bộ Giao thông Vận tải và hai địa phương tuyến đi qua thực hiện. Dự án bắt đầu từ nút giao quốc lộ 26B – quốc lộ 1 (thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa) và kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh, phía Đông TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Công trình được xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17 m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường ven biển… góp phần thúc đẩy phát triển vùng.
Một ngày trước, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh miền Tây, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng cũng đã được khởi công. Tuyến có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và hơn 56 km qua Sóc Trăng.
Giai đoạn một, dự án làm trước 4 làn xe, rộng 17 m, cho ôtô chạy 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027, hình thành tuyến giao thông huyết mạch theo trục ngang ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuyến này sẽ kết nối cao tốc Bắc – Nam theo trục dọc, giảm tải cho quốc lộ 1, tuyến N1, quốc lộ 91… Đồng thời, công trình cũng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.
(Nguồn vnexpress.net)